​QUAN HỆ  VIỆT NAM – SLOVAKIA:

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: Năm 1993, Xlô-va-ki-a tách khỏi Liên bang Tiệp Khắc. Việt Nam và Xlô-va-ki-a đã tuyên bố kế thừa các mối quan hệ giữa Việt Nam và Tiệp Khắc trước đây, lấy ngày 2/2/1950 là ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

2. Quan hệ chính trị: Từ năm 1993 đến nay quan hệ giữa Việt Nam với Xlô-va-ki-a phát triển tích cực, hai bên đều coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống đã được xây dựng từ trước đây.

Hàng năm Việt Nam và Xlô-va-ki-a có cơ chế tham vấn chính trị cấp Tổng Vụ trưởng giữa hai Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, 2 năm gần đây hai bên chưa thực hiện thường xuyên. Để nối lại, ngày 3-5/7/2011 Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiến hành tham vấn chính trị với Bộ Ngoại giao Xlô-va-ki-a tại Bratislava, dự lễ khai trương chính thức Đại sứ quán Việt Nam tại Xlô-va-ki-a. Nhân chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Rô-bê Phi-sô đã đến dự lễ khai trương ĐSQ Xlô-va-ki-a được mở lại tại Hà Nội (28/10/2008), Hai bên phối hợp tốt, chặt chẽ trên diễn đàn quốc tế (Slovakia ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, ứng cử ghế thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc khoá 2008 – 2009, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề tại Hội đồng Bảo an, ủng hộ Việt Nam trong vấn đề chống bán phá giá giầy mũ da vào thị trường EU,...).

3. Quan hệ kinh tế thương mại:

a. Về thương mại: Quan hệ kinh tế chưa đáp ứng tiềm năng và nhu cầu của hai bên.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Xlô-va-ki-a: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép các loại, hàng dệt may, cao su, cà phê... Mặt hàng nhập khẩu chính từ Xlô-va-ki-a : thức ăn gia súc và nguyên liệu.

Ngày 11/4/1997, Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Xlô-va-ki-a được thành lập và đã họp kỳ đầu tiên. Tháng 4/2001 Uỷ ban đã họp kỳ 2 tại Bra-tít-xla-va. Sau khi Xlô-va-ki-a gia nhập EU, Hiệp định thương mại chấm dứt, Ủy ban hỗn hợp về thương mại không còn tồn tại. Năm 2006, hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác kinh tế và dựa trên Hiệp định này, hai bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế.

Trong vấn đề giày mũ da của ta với EU, tháng 12/2009 phía Xlô-va-ki-a đã quyết định chuyển sang bỏ phiếu ủng hộ ta về vấn đề này xét trên lợi ích tổng thể quan hệ với ta, đưa số nước ủng hộ ta trong EU lên thành 13.

b. Về hợp tác đầu tư: Đầu tư của Xlô-va-ki-a vào Việt Nam  chưa nhiều, từ năm 2010 Xlô-va-ki-a mới có dự án FDI đầu tiên tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 100 triệu USD, đứng thứ 36 trên tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam.

Chính phủ Xlô-va-ki-a đang quan tâm cấp tín dụng xuất khẩu cho các bệnh viện nhà nước tại Vinh để mua thiết bị y tế của Xlô-va-ki-a. Năm 2011, Xlô-va-ki-a có dự án đầu tư trị giá khoảng 100 triệu USD xây dựng tổ hợp khách sạn văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh; dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp Lạc Thịnh, Hoà Bình với tổng giá trị 378 triệu euro.

4. Quan hệ hợp tác giáo dục, văn hoá, thể thao và du lịch: Mặc dù hai bên chưa ký Hiệp định hợp tác giáo dục nhưng vẫn triển khai các hoạt động hàng năm tập trung vào việc cấp học bổng đào tạo. Từ năm 2005, Chính phủ Xlô-va-ki-a đã cấp 2-3 học bổng đào tạo đại học và sau đại học toàn khóa cho ta. Năm 2009-2010, Chính phủ Xlô-va-ki-a cấp cho Việt Nam 2 suất học bổng sau đại học. Hiện nay ta và Bạn đang xem xét ký Thoả thuận hợp tác giáo dục – đào tạo giai đoạn 2010-2013 (đang trao đổi thống nhất nội dung Dự thảo).

Về hợp tác văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã cử đoàn múa rối nước Nhà hát múa rối Việt Nam sang biểu diễn tại Slovakia đầu tháng 6/2012.

5. Quan hệ an ninh, quốc phòng: Quan hệ hợp tác Quốc phòng giữa hai nước rất tốt từ năm 1996 đến nay. Hai bên đã tiến hành trao đổi nhiều đoàn các cấp và thực hiện 1 số hợp đồng mua bán thiết bị, vũ khí quân sự. Năm 2001 ta đã ký hợp đồng mua máy bay quân sự của Xlô-va-ki-a trị giá 5 triệu USD, đã thực hiện xong năm 2002. Năm 2008, hai bên đã ký 1 hợp đồng trị giá 2,2 triệu USD mua dây chuyền nhồi thuốc nổ tự động của Xlô-va-ki-a. Từ đó đến nay, ta và Bạn không có thêm hợp đồng mua bán nào do Xlô-va-ki-a không có lợi thế về công nghiệp quốc phòng như một số nước Đông Âu khác. Tuy nhiên, hai bên vẫn tiếp tục tìm kiếm, sẵn sàng phát triển hợp tác trong lĩnh vực này.

6. Hợp tác trong lĩnh vực khác:

- Về hợp tác lao động: Năm 2007 ta đã mở lại  thị trường xuất khẩu lao động sang Xlô-va-ki-a. Trong các năm 2007-2009 có khoảng 1000 lao động Việt Nam sang làm việc tại đây, chủ yếu làm việc trong các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2010 do tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, một số chủ doanh nghiệp nhà máy Xlô-va-ki-a đã cắt giảm thuê lao động Việt Nam nên việc hợp tác trong lĩnh vực này tạm ngừng trong thời gian tới.

7. Trao đổi đoàn cấp cao:

- Đoàn ra: Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1995), Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (1994), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Ngạnh (2001), Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh họp Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế (2001), Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách và Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thăm và làm việc theo dự án của UNDP (2003), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (10/2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (12/2009).

- Đoàn vào: Thủ tướng I-ô-dép Mô-ráp-chích (1994), Bộ trưởng Ngoại giao Ê-đua Cu-Can (8/2001), Tổng thống I-van Ga-xpa-rô-vích (10/2006), Tổng Vụ trưởng Vụ Chính trị Bộ Ngoại giao Rô-man Bu-zếch đã thăm tham khảo chính trị (12/2007), Tổng Vụ trưởng Vụ khu vực Bộ Ngoại giao Ma-ri-an Tô-ma-sích (7/2008), Chủ tịch Đảng Cộng sản Giô-dép Hờ-lích-va (7/2008), Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đi-ana Sờ-trô-phô-va (8/2008), Thủ tướng Rô-bê Phi-sô (10/2008), Chủ tịch Quốc hội Pa-vôn Pa-sờ-ca (1/2010), Bộ trưởng Kinh tế Giu-rai Mít-sờ-cốp (4/2011).

(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật tháng 6/2012)

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​